(SHTT) – Chặng đường phát triển của Masterise Group gắn liền với dòng tín dụng đến từ “ông lớn” ngân hàng Techcombank. Từ mối quan hệ mật thiết trong kinh doanh đến “sự trùng hợp” về nhân sự khiến không ít đồn đoán cho rằng Masterise Group là “sân sau” của ông chủ nhà băng này (?).
Mối quan hệ mật thiết giữa Masterise Group – Techcombank
Masterise Group tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập từ năm 2007, với lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư, phát triển các sản phẩm nhà ở, dòng sản phẩm chủ đạo là căn hộ cao cấp.
Sau nhiều năm hoạt động, cho đến khi Masteri Thảo Điền ra mắt và mở bán ra thị trường (2014 – 2016), doanh nghiệp này mới được giới đầu tư chú ý. Từ đó, công ty mở rộng thực hiện hàng loạt dự án khác tại TP HCM như: Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).
Ngày 22/11/2019, Thảo Điền Investment chính thức đổi tên thành Masterise Group, đồng thời cho ra mắt thương hiệu Masterise Homes, đơn vị này sẽ quản lý và phát triển các sản phẩm bất động sản của Masterise Group.
Việc đổi tên và cho ra mắt Masterise Homes cuối năm 2019 đánh dấu thêm một sự phát triển mới, thể hiện tham vọng trở thành một tập đoàn đa ngành của Masterise Group.
Đáng chú ý, chặng đường phát triển của Tập đoàn này gắn liền với dòng tín dụng từ một nhà băng tư nhân “đình đám”. Dễ nhận thấy, song hành cùng quá trình phát triển của Thảo Điền Investment là dòng tiền đến từ “ông lớn” ngân hàng Techcombank. Ngân hàng này đóng vai trò là nhà tài trợ tín dụng và bảo lãnh cho dự án Masteri Thảo Điền.
Trong những dự án tiếp theo của Masterise Group, Techcombank cũng thường đóng vai trò là đơn vị cấp vốn và bảo lãnh dự án. Đổi lại, công ty đã thế chấp dự án và lợi ích liên quan.
Theo đó, Masterise Group liên tục thế chấp tài sản để vay vốn tại ngân hàng Techcombank. Năm 2015, Masterise Group đã liên tục ký hợp đồng thế chấp dự án Masteri Thảo Điền cho ngân hàng này. Năm 2018, Tập đoàn này tiếp tục thế chấp dự án Dự án khu cao ốc căn hộ tại Phường Thảo Điền, Quận 2 cho Techcombank. Gần đây nhất là đầu tháng 11/2020, Masterise Homes, Công ty con của Masterise Group thế chấp toàn bộ vốn góp tại ngân hàng Techcombank để vay vốn…
Masterise Homes hiện đang phát triển các dự án Masterise Waterfront tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội; dự án Masterise Homes Ba Son quận 1, Masteri Central Point quận 9 TP HCM. Được biết, Techcombank là ngân hàng bảo lãnh cho các dự án này.
Trước đó, vào năm 2016, Thảo Điền Investment kết hợp cùng Công ty Đầu tư TCO Việt Nam (TCO Development) làm chủ đầu tư dự án M-One Nam Sài Gòn. Đây là dự án quy mô 13.904 m2 tại, Quận 7, TP.HCM.
Theo tìm hiểu, TCO Development là công ty mẹ của Công ty TNHH MTV Tư vấn và Kinh doanh bất động sản TCO – pháp nhân đã nhận chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm, Hà Nội của Vingroup vào năm 2019 (hiện Masterise Group đang triển khai dự án Masterise Waterfront tại khu đất này).
Vai trò của Techcombank tại Masterise Group còn thể hiện tại dự án Masterise Homes Ba Son (tên gọi chưa chính thức của khu phức hợp Masteri Homes Quận 1). Khu phức hợp đô thị Ba Son trước đây do Vinhomes phát triển, hiện đã xây dựng xong dự án Vinhomes Golden River với 5 tòa căn hộ và khu biệt thự Victoria, các lô còn lại đã được chia tách và chuyển nhượng cho các đối tác.
Trong đó, các lô đất HH1 và HH2 cảng Ba Son sau khi “qua tay” một số chủ cũ đã được chuyển nhượng cho Masterise Group vào tháng 9/2019. Và mới đây Masterise Group đã khởi động lại dự án và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons làm thầu chính.
Tại Quận 9, Masterise Homes đang phát triển dự án Masteri Central Point. Khu đất này có vị trí tại phân khu 2 theo quy hoạch thiết kế bao gồm 10 tòa tháp căn hộ cao 25 đến 35 tầng có vị trí trung tâm dự án khu đô thị Vinhomes Grand Park.
Có thể thấy sự hợp tác giữa các ông lớn Masterise Group, Techcombank và Vingroup tạo tính cộng hưởng cho các dự án mà các đơn vị này phát triển mạnh mẽ hơn.
Masterise Group và “bóng dáng” Techcombank?
Mối quan hệ thân thiết giữa Masterise Group – Techcombank còn được thể hiện ở mặt nhân sự. Theo đó, bà Đỗ Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Masterise Group đồng thời là Giám đốc chi nhánh miền Nam của chứng khoán Techcom (TCBS), thành viên Ban đại diện Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam (FUCVREIT).
Từ mối quan hệ mật thiết trong kinh doanh đến “sự trùng hợp” về nhân sự khiến không ít đồn đoán rằng Masterise Group là “sân sau” của lãnh đạo chủ chốt nhà băng này(?). Dù ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank chưa từng lên tiếng khẳng định hay phủ nhận, song không ít những “cánh tay đắc lực” của vị lãnh đạo này này đều là những nhân sự quan trọng tại Masterise Group.
Chẳng hạn là trường hợp của bà Đỗ Tú Anh đã nêu trên hay vợ chồng ông Hồ Anh Ngọc – bà Nguyễn Hương Liên (ông Hồ Anh Ngọc là em trai ông Hồ Hùng Anh).
Trong đó, Ông Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 – tháng 7/2012. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch HĐQT CTCP One Mount Group.
Về sự ra đời của One Mount Group, theo tìm hiểu, công ty này thành lập ngày 19/9/2019 với quy mô vốn điều lệ 3.047 tỷ đồng. Đến tháng 11/2019, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của One Mount Group đã được thay đổi từ bà Nguyễn Mai Hoa sang ông Hồ Anh Ngọc.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) từng giữ vị trí Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Quyền Tinh. Đặc biệt, bà cũng từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group, là: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents.
Trên thực tế, câu chuyện các nhóm chủ nhà băng Việt Nam gián tiếp tham gia đầu tư bất động sản không phải hiếm gặp. Những mối quan hệ khăng khít Ngân hàng – địa ốc có thể kể đến như: Him Lam – Lienvietpostbank, Sovico – HDBank, Hoàn Cầu – Nam A Bank, BRG – SeaBank), Geleximco – ABBank, T&T – SHB…
Câu chuyện “cổ tích” này vẫn đang được viết tiếp với nhiều ngân hàng, sau khi đã có chỗ đứng trong giới “buôn tiền”, một số ông chủ nhà băng vẫn đang “lấn sân” sang lĩnh vực địa ốc để tiếp tục phát triển và mở rộng, chẳng hạn VPBank, OCB, hay cũng có thể là cả Techcombank(?).
Linh Lan (T/h)
Nguồn: Theo Báo Sở Hữu Trí Tuệ